Du lịch học đường - Nhiều tiềm năng chưa được khai phá

(PLVN) - Những sản phẩm du lịch học đường như “Thăng Long – Hà Nội: Xưa và Nay” (tại Hà Nội), “Hướng về nguồn cội” (tại Phú Thọ),… thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều trường, học sinh, cho thấy du lịch kết hợp với giáo dục thông qua thực tế, trực quan luôn hiệu quả, hấp dẫn. Dù vậy, đến nay, mô hình du lịch học đường vẫn mới chỉ manh mún tại một số địa phương, chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có.

Nhiều sản phẩm hay

Những năm gần đây, nhiều công ty lữ hành, địa phương, điểm đến đã chủ động định hướng phát triển du lịch học đường – hình thức du lịch hướng chủ yếu đến đối tượng học sinh. Mô hình này tập trung vào các hoạt động tham quan lồng ghép trải nghiệm với giáo dục, học tập, kiến thức trực quan.

Sở hữu bề dày văn hóa, lịch sử cùng hệ thống tài nguyên thiên nhiên, di sản phong phú, nhiều địa phương tại Việt Nam có dồi dào tiềm năng để xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch học đường độc đáo, hấp dẫn.

Đơn cử, trong tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã ra mắt sản phẩm du lịch học đường giáo dục di sản với tên gọi “Thăng Long – Hà Nội: Xưa và Nay” dành cho các em học sinh. Các điểm đến trong sản phẩm này bao gồm: tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây, đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc. Thông qua quá trình tham quan, tìm hiểu có thể mang lại cho các em học sinh nhiều trải nghiệm sáng tạo, thú vị khi tìm hiểu văn hoá, lịch sử Thủ đô Hà Nội. Trước đó, một số điểm đến trong Thủ đô như Hoàng thành Thăng Long, di tích Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám,… cũng đã chủ động xây dựng sản phẩm giáo dục di sản và cũng thu hút đông đảo các trường học, học sinh đến tham quan

Mặt khác, vào cuối tháng 9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã phối hợp Khu Di tích lịch sử Ðền Hùng đã công bố chương trình du lịch học đường “Hướng về nguồn cội”. Những hoạt động chính trong tour bao gồm: tham quan Bảo tàng Hùng Vương, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, thưởng thức show diễn “Hùng Vương truyện cổ”, xem múa rối nước, tham gia trò chơi dân gian…

Được biết, chương trình du lịch là nỗ lực của tỉnh Phú Thọ nhằm khắc phục tính mùa vụ, thích nghi với tình hình và khai thác các khía cạnh mới, phù hợp với một điểm đến tâm linh như Đền Hùng. Đồng thời, dòng sản phẩm chuyên đề mới cho du lịch nội địa mùa thu đông này cũng cung cấp cho học sinh, sinh viên những cách tiếp cận mới về cội nguồn dân tộc. Đơn cử, tham quan Ðền Hùng để thấm thía các bài học lịch sử, thưởng thức show diễn “Hùng Vương truyện cổ”, tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề, cuộc thi “Ngược dòng lịch sử”, khám phá văn hóa đặc sắc của người dân bản địa, tự tay gói bánh chưng, giã bánh dày… Bên cạnh đó, thông qua việc tìm hiểu về các làng nghề truyền thống, các trò chơi tập thể, các em học sinh được nâng cao tinh thần đoàn kết, bảo vệ gìn giữ bản sắc văn hoá Việt, hòa đồng, rèn luyện nhiều kỹ năng sống giúp các em tự tin, trưởng thành và làm chủ bản thân.

Trả lời báo chí, ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng khẳng định: “Với chương trình này, các em học sinh được tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ và thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách linh thiêng và ý nghĩa tại nơi mạch nguồn dân tộc; để hiểu hơn hai tiếng “cội nguồn”, tri ân và tự hào hơn về nòi giống Tiên – Rồng”.

Đáng nói, sự “bắt tay” giữa điểm đến và các công ty lữ hành cũng là một tín hiệu tích cực. Hiệp hội Lữ hành Phú Thọ, các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Ðền Hùng và Công ty Flamingo Redtours đại diện cho một số hãng lữ hành Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm triển khai hiệu quả sản phẩm du lịch học đường. Kết hợp với sự kiện ra mắt chương trình du lịch học đường, Flamingo Redtours cùng đồng thời công bố chùm tour “Hướng về nguồn cội” với lịch trình: Ðền Hùng - Bảo tàng Hùng Vương - Ðình cổ Hùng Lô - Khu du lịch Nature Key Retreat Hy Cương (một ngày); Ðền Hùng - Flamingo Ðại Lải Resorts (hai ngày một đêm).

Lợi cả đôi đường

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, học sinh là nhóm khách hàng khá chuyên biệt nên những sản phẩm văn hoá trải nghiệm cũng được điều chỉnh cho phù hợp hơn với đối tượng này. Ví dụ với tour “Hướng về cội nguồn”, ưu điểm của sản phẩm này là lịch trình được sắp xếp khoa học dưới sự tư vấn của các chuyên gia; địa điểm tham quan gần Hà Nội, thuận tiện di chuyển; kịch bản được cá biệt hóa theo từng cấp học giúp đảm bảo sức khỏe và phù hợp với các em học sinh.

Hiện nay, phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm, chú trọng vai trò của thực hành, quan sát thực tế trong đào tạo, du lịch học đường đã và đang trở thành hướng đi chủ đạo được nhiều cơ sở giáo dục và các bậc cha mẹ lựa chọn. “Học đi đôi với hành”, “học mà chơi – chơi mà học” góp phần giúp các em học sinh tiếp thu kiến thức về lịch sử - văn hóa - nghệ thuật - kỹ năng sống một cách tự nhiên và thoải mái nhất, từ đó đem lại hiệu quả về chất lượng giáo dục.

Biểu hiện là nhiều trường học đã phối hợp các đơn vị tổ chức tour du lịch cho học sinh. Một số trường còn đưa du lịch học đường thành hoạt động ngoại khóa định kỳ trong chương trình đào tạo. Ðịa điểm lựa chọn thường là những điểm đến gần với lịch trình từ một đến hai ngày, chủ yếu tham quan các di tích, công viên, bảo tàng, trang trại giáo dục, làng nghề truyền thống… nhằm giúp học sinh tiếp cận và tích lũy kiến thức lịch sử, văn hóa…

Mặt khác, du lịch nội địa cũng có thêm một loại hình sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, đầy tính nhân văn dành riêng cho nhóm du khách học sinh, sinh viên. Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực đáng ghi nhận, nhưng phần lớn dư luận vẫn đánh giá du lịch học đường vẫn còn là một mảnh đất bị bỏ ngỏ với nhiều tiềm năng chưa được khai phá hết. Sở dĩ có luồng ý kiến này là bởi số lượng các sản phẩm du lịch học đường còn ít, trong đó số lượng sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo tính chuyên nghiệp còn ít hơn. Trong khi đó, để thật sự đạt hiệu quả và chất lượng, mô hình du lịch học đường đòi hỏi sự tích hợp nhiều hoạt động và nhiều giá trị với hàm lượng sáng tạo cao, chứ không phải những sản phẩm “lối mòn” với cách làm cũ, thiếu sáng tạo…

Thậm chí có ý kiến cho rằng “những tour du lịch của không ít trường thời gian qua mới chỉ dừng ở tour tổ chức cho học sinh chứ chưa thể gọi là tour học đường” bởi hàm lượng giáo dục còn hạn chế, các hoạt động tham quan, trải nghiệm chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, học sinh.

Giải thích về nguyên nhân tại sao du lịch học đường vẫn chưa phát triển xứng tiềm năng, một số chuyên gia đánh giá, việc quản lý đối tượng du khách là học sinh tương đối phức tạp, tiềm ẩn rủi ro, cần nguồn nhân sự phục vụ lớn. Do đó, nhiều doanh nghiệp du lịch chưa thật sự mặn mà với thị trường này, các trường học cũng chưa có sự lựa chọn tốt nhất.

Thiết nghĩ, du lịch học đường không chỉ là một sản phẩm du lịch nội địa mà còn là một hoạt động nhân văn và ý nghĩa, góp phần bồi đắp kiến thức, tâm hồn của những thế hệ tương lai của đất nước. Việc tổ chức những tour du lịch học đường cũng giúp các em học sinh tìm lại sự cân bằng về sức khỏe tinh thần, giải tỏa căng thẳng tâm lý thông qua những trải nghiệm du lịch năng động. Trong thời gian tới, để du lịch học đường thực sự “chuyển mình” theo hướng chuyên nghiệp hoá, rất cần tới sự phối hợp, liên kết giữa ngành Du lịch và Giáo dục, sự vào cuộc của các địa phương, sự tham vấn từ chuyên gia ở nhiều lĩnh vực văn hóa, lịch sử, di sản, kỹ năng… và đặc biệt là sự quan tâm, hưởng ứng của các bậc phụ huynh vì sự phát triển của con em mình.

Nguồn: https://baophapluat.vn/du-lich-hoc-duong-nhieu-tiem-nang-chua-duoc-khai-pha-post458310.html